(HPĐT)- Thời tiết diễn biến bất thường trong khi các công trình thủy lợi được đầu tư cách đây nhiều năm và sự dịch chuyển cơ cấu sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang mục đích khác khiến việc vận hành, khai thác công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn. Khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi thành phố đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào quản lý, vận hành mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất- kinh doanh.
Điện hóa vận hành cống
10 giờ sáng 1-12, khi kết quả kiểm tra độ mặn tại cống đầu mối An Sơn (xã An Sơn) xuống thấp dưới 1‰, thủy triều tăng dần, anh Vũ Thanh Duyên, công nhân quản lý, vận hành cống An Sơn cùng 3 công nhân trong kíp trực nhanh chóng vào vị trí, sẵn sàng vận hành cống. Mỗi người mỗi việc. Người điều khiển máy nâng thủy lực các cửa cống, người đo độ mặn của nước. Sau khoảng 20 phút, 5 cánh cửa cống An Sơn được mở lấy nước ngọt vào hệ thống thủy lợi. Anh Duyên cho biết, việc vận hành cống trước đây thực hiện bằng sức người, để nâng một cánh cống An Sơn, 2 công nhân quay cả buổi sáng mới xong, công việc rất nặng nhọc. Nhưng gần đây, cống được vận hành bằng hệ thống mô tơ điện, giảm thời gian, nhân lực. Việc nâng, hạ cống bằng hệ thống điện nhanh hơn giúp việc “ngăn mặn, trữ ngọt”, hiệu quả và kịp thời hơn.
Trước năm 2020, việc vận hành các cống tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ chủ yếu bằng phương pháp thủ công, dùng sức người để quay, kéo, nâng, hạ cánh cống. Tùy quy mô, mỗi cống cần từ 1-3 công nhân để vận hành, mỗi lần nâng hoặc hạ một cánh cống mất nhiều giờ, tốn nhiều công sức. Vì vậy, năm 2021, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ nghiên cứu và ứng dụng thiết bị năng lượng mặt trời để quản lý, vận hành từ xa hệ thống cống thủy lợi. Tại cống Bãi Vẹt và cống Đống Cung (huyện An Lão) việc vận hành cống được điều khiển từ xa qua thiết bị có kết nối internet, camera giám sát vận hành. Trạm trưởng Trạm khai thác thủy lợi An Lão Phạm Duy Trung cho biết: Trạm quản lý 33 cống trên bờ Đa Độ. Trước đây, mỗi công nhân phải vận hành từ 3-5 cống, vào những thời điểm mưa bão, công nhân rất vất vả, nhiều lúc làm không hết việc. Từ khi được điện hóa và tự động hóa, việc vận hành thuận lợi, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu suất, khai thác hết khả năng tưới, tiêu công trình.
Tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải, bên cạnh việc điện khí hóa việc vận hành cống dưới đê, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị lắp đặt hệ thống điều khiển đóng, mở từ xa bằng điện thoại thông minh thay thế vận hành bằng tời điện tại 2 cống Tỉnh Thủy và Nhu Kiều. Hiện, đơn vị triển khai việc áp dụng mô hình chuyển đổi số tổng thể công tác quản lý hệ thống thủy lợi.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ Đỗ Văn Trãi cho biết: “Đơn vị hiện quản lý, khai thác, vận hành 1.232 công trình thủy lợi, trải dài trên địa bàn 5 huyện, quận: An Lão, Kiến Thụy, Kiến An, Dương Kinh và Đồ Sơn. Trong đó, hầu hết cống dưới đê, xa khu dân cư, chưa có điện lưới. Trước thực tế này, công ty nghiên cứu và ứng dụng việc sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp vận hành tự động tại công trình thủy lợi. Từ kết quả đạt được, năm 2023, đơn vị được UBND thành phố phê duyệt dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tự động hóa trong vận hành cống thủy lợi tại Hải Phòng”. Đến nay, doanh nghiệp hoàn thiện phòng điều hành trung tâm, sử dụng phần mềm giám sát, vận hành từ xa; lắp đặt thiết bị vận hành từ xa tại 16 cống và thực hiện điện khí hóa đối với 8 cống. Trước đó, doanh nghiệp xây dựng và áp dụng mô hình bản đồ trực tuyến hệ thống công trình thuỷ lợi sử dụng google maps… nâng cao hiệu quả công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng xâm phạm, lấn chiếm công trình thủy lợi.
Áp dụng công nghệ vào vận hành hệ thống công trình thủy lợi thời gian qua tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải mang lại hiệu quả cao trong công tác điều tiết nước, nhất là tiêu úng… Theo Chủ tịch Công ty Trần Quang Hoạt, khi trời mưa to, diện rộng, nguy cơ xảy ra ngập úng đô thị, nước mưa tràn vào hệ thống sông Rế. Nhưng nhờ đầu tư máy đo mưa giúp đơn vị cập nhật và theo dõi cường độ mưa, mực nước để đưa ra quyết định kịp thời trong tiêu úng, bơm cưỡng bức chuyển nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm ra xa sông Rế. Công ty lắp đặt hệ thống quan trắc mặn tự động tại 7 vị trí tại sông Lạch Tray, sông Cấm, từ đó có kế hoạch và giải pháp phòng, chống nhiễm mặn, không để nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng.
Cùng với đầu tư, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi thành phố đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ như: website điều hành; bản đồ số hệ thống công trình; đo mặn tự động; đo mưa… góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nước, điều tiết tiêu úng kịp thời, tiết kiệm điện năng tiêu thụ tại các trạm bơm. Việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào quản lý, vận hành giúp doanh nghiệp thủy lợi đẩy mạnh việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.